Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả Kinh tế tập thể

Chiều ngày 14/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW Hội nghị BCH TW 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả Kinh tế tập thể (KTTT).
Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; các Phó Thủ tướng Chính phủ: Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương.
Điểm cầu Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, tình hình phát triển KTTT đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là nhận thức về phát triển KTTT được khẳng định và thống nhất trong toàn xã hội. Đến nay, cả nước có hơn 101 nghìn tổ hợp tác (THT), tăng 57,3% so với năm 2003, doanh thu bình quân của 1 THT đạt 408 triệu đồng. Có gần 23 nghìn Hợp tác xã (HTX), tăng 59% so với năm 2003, trong đó hơn 13.800 HTX nông nghiệp, trên 11.000 Quỹ tín dụng nhân dân và hơn 7.800 HTX phi nông nghiệp. Doanh thu bình quân của HTX năm 2018 là 4,4 tỷ đồng/HTX.
Nhìn chung, số lượng HTX tăng nhanh theo từng năm, phát triển đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên. Các HTX từng bước hoạt động đúng bản chất, ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên. Thông qua HTX, thu nhập của người lao động cũng như các thành viên HTX được cải thiện, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Tại hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã thảo luận về những kết quả đạt được trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT trong thời gian tới.
Trong đó, đại biểu chỉ ra công tác nghiên cứu lý luận, thực tiễn, giáo dục, đào tạo, tuyên truyền về KTTT còn yếu; một số cấp ủy đảng vẫn chưa nhận thức đầy đủ, tinh thần của Nghị quyết, chưa thấy rõ vị trí, vai trò của HTX trong việc phát triển KT-XH của địa phương. Luật HTX năm 2003, năm 2012 và các văn bản hướng dẫn quy định các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các HTX nhưng thực tế các chính sách này đi vào cuộc sống không nhiều.
Một số chính sách thực hiện chưa hiệu quả như chính sách ưu đãi tín dụng, hỗ trợ chế biến sản phẩm. Nguồn kinh phí hỗ trợ KTTT phát triển còn hạn chế. Công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX còn nhiều hạn chế, một số nơi bị buông lỏng. Do đó sau 15 năm, tốc độ tăng trưởng của khu vực này còn chậm, thiếu ổn định, tỷ lệ đóng góp vào GDP không cải thiện. KTTT chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa phát huy được tiềm năng của HTX.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những thành công của lĩnh vực KTTT, HTX, khẳng định vai trò quan trọng của KTTT trong phát triển KT-XH thời gian qua. Thủ tướng nhấn mạnh, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 13, KTTT có nhiều chuyển biến, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân và phát triển KT-XH đất nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục, trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục nhất quán về vai trò, vị trí của KTTT trong sự phát triển của KT-XH. Cần nghiên cứu các mô hình KTTT quốc tế làm cơ sở học tập, triển khai. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật HTX năm 2012 đảm bảo vững chắc, rõ ràng hơn. Tạo thuận lợi trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ HTX về đào tạo lao động, tín dụng, đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực…
Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội đồng hành, hỗ trợ HTX hoạt động. Đẩy mạnh tuyên truyền về KTTT nói chung, HTX nói riêng.

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.