Phát triển hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã sản xuất theo chuỗi: Nền tảng vững chắc cho kinh tế tập thể

Mô hình hợp tác xã (HTX), Liên hiệp HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất theo chuỗi đang được khuyến khích nhân rộng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Người dân mở rộng quy mô sản xuất, thực hiện liên kết với doanh nghiệp bao tiêu hàng hóa đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu.

Liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hợp đồng

Tháng 1-2019, Liên hiệp HTX Nông nghiệp hữu cơ Hiệp Hòa được thành lập. Đơn vị gồm 7 HTX và 2 hội sản xuất tham gia, sản xuất 60 ha các loại rau, củ, quả chế biến, 60 ha lúa nếp và hơn 5 nghìn m2 lán trồng nấm. Ông Nguyễn Văn Nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết: “Trước khi vào mỗi vụ sản xuất các thành viên đều lên kế hoạch, họp bàn rồi mới thống nhất giống, cây con, quy mô để triển khai. Các thành viên tham gia Liên hiệp đều đã đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào canh tác. Cây trồng, vật nuôi của đơn vị được chăm sóc theo phương pháp an toàn.

Mô hình trồng dưa chế biến tại HTX Hưng Thịnh, xã Đông Lỗ- thành viên của Liên hiệp HTX Nông nghiệp hữu cơ Hiệp Hòa được Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C bao tiêu. Ảnh Phương Nhung.

Sản phẩm ký kết với Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C (Lạng Giang) và một số siêu thị như Hapro Mart, Fivimart (Hà Nội)". Với cách làm mới này, vụ đầu tiên của Liên hiệp HTX đã mang lại hiệu quả. Các sản phẩm rau, củ, quả, nấm bảo đảm chất lượng, tiêu thụ thuận lợi với giá bán cao hơn thị trường bình quân khoảng 2 nghìn đồng/1 kg. Thông qua liên kết khắc phục được hạn chế trước đây là mạnh ai người đó làm, sản phẩm khó liên kết tiêu thụ.

Tương tự, HTX Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Quang Trung, xã Lan Giới (Tân Yên) là một trong những đơn vị thí điểm mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, liên kết doanh nghiệp với nông dân trong thực hiện chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản do Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ. Ngày đầu HTX có 7 thành viên, đến nay đã tăng lên 15 với tổng diện tích gần 30 ha chuyên trồng dưa chuột các loại, cà chua bi và rau chế biến.

Được biết năm 2015, sau khi tham gia chuỗi sản xuất, đơn vị đã nhận nguồn kinh phí hỗ trợ cứng hóa đường giao thông, mương dẫn nước và đưa phương tiện cơ giới vào làm đất. Ông Nguyễn Văn Bình, thôn Chính Thễ, xã Lan Giới chia sẻ: “Trước kia nhà tôi có 4 sào ruộng thuộc chân đất vàn cao, khó canh tác. Sau khi tham gia HTX và hưởng chương trình hỗ trợ, diện tích đất canh tác được cải tạo, sản xuất thuận lợi hơn. Người dân tập trung trồng một loại cây vào cùng thời điểm nên được các công ty đến tận đầu bờ thu mua”. Vụ xuân vừa qua, HTX trồng khoảng 10 ha dưa chuột các loại, trừ chi phí, lãi hơn 4 triệu đồng/sào.

Không chỉ ở Tân Yên, 4 năm qua Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế, Nông nghiệp Hưng Thịnh (Hiệp Hòa) tham gia chuỗi thí điểm.

Tiếp tục nhân rộng

Từ năm 2015, Liên minh hỗ trợ được 3 HTX thí điểm sản xuất theo chuỗi liên kết. Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã hỗ trợ 12 HTX hoạt động ở các ngành nghề như: sản xuất mỳ, nấm ăn, rau an toàn, thịt lợn sạch. Các đơn vị tham gia được giúp về kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quảng bá thương hiệu và liên kết bao tiêu với các doanh nghiệp. Con số này mới chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số hơn 700 HTX, Liên hiệp HTX trong toàn tỉnh hiện nay.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Dung, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, để phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi trong nền kinh tế tập thể, hằng năm Liên minh đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn, tham quan học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh khác, tổ chức các buổi gặp gỡ làm việc với các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến.

Một số huyện có những cách làm riêng như UBND huyện Việt Yên chỉ đạo các HTX cùng sản xuất một lĩnh vực có thể xem xét thành lập Liên hiệp HTX. Huyện sẽ có cơ chế về vốn giúp đầu tư sản xuất. Việt Yên đang có hướng thành lập Liên hiệp HTX nông nghiệp chuyên canh tác rau, nuôi trồng thủy sản và nuôi lợn VietGAP. Ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Hiện địa phương có 54 HTX nông nghiệp. Từ năm 2017 đến nay, huyện đã bố trí hơn 1,4 tỷ đồng hỗ trợ các đơn vị thực hiện những mô hình ứng dụng công nghệ cao và đơn vị sản xuất theo chuỗi; đồng thời chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX”.

Các huyện: Yên Dũng, Lạng Giang, Tân Yên, Hiệp Hòa ưu tiên thành lập mới các HTX ứng dụng công nghệ cao có chuỗi liên kết sản xuất. Sau khi có quyết định thành lập sẽ được UBND huyện hỗ trợ vốn.

Phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất và đơn vị thu mua, giảm chi phí trung gian, tăng giá trị hàng hóa, phát triển kinh tế. Để quy trình này đi vào hoạt động tốt cần có sự vào cuộc tích cực của các thành viên, đặc biệt là doanh nghiệp tiêu thụ. Tuy nhiên, một số chủ HTX cho hay, sản xuất theo chuỗi giá trị vẫn còn một số khó khăn do hầu hết các đơn vị thiếu vốn, chưa có tài sản thế chấp khi vay ngân hàng; sản phẩm không đồng đều nên khó liên kết tiêu thụ; sản xuất còn chịu ảnh hưởng lớn bởi yếu tố mùa vụ, thời tiết, dịch bệnh, thị trường…

Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân rộng những mô hình hiệu quả; mỗi huyện, TP thành lập ít nhất một Liên hiệp HTX có liên kết bao tiêu theo chuỗi. Rà soát các cơ chế chính sách hỗ trợ HTX. Nhiều ý kiến cho rằng, để mô hình này phát triển bền vững trước hết nêu cao tinh thần trách nhiệm của các thành viên tham gia. Ngoài cơ chế hỗ trợ của chính quyền, các HTX cần năng động kết nối với doanh nghiệp xúc tiến tiêu thụ hàng hóa.

Theo Báo Bắc Giang

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.