Định hướng Chiến lược phát triển Kinh tế tập thể, Hợp tác xã tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030

Kinh tế tập thể, hợp tác xã nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng thời gian qua nhận được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ được ban hành và đang triển khai thực hiện nhằm tạo đòn bẩy cho khu vực này phát triển ổn định, bền vững. Khu vực kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) của tỉnh thời gian qua đã có bước phát triển ngày một ổn định, có chuyển biến tích cực theo hướng nâng cao chất lượng hoạt động, dần được khẳng định được ưu thế và vai trò của HTX đối với phát triển kinh tế hộ thành viên, kinh tế địa phương. Việc đóng góp khu vực KTTT, HTX vào GRDP của tỉnh còn thấp, bình quân cả giai đoạn chiếm 0,89% tổng số GRDP của tỉnh. Tuy nhiên kinh tế tập thể, HTX có vai trò quan trọng trong mục tiêu kinh tế tăng trưởng bền vững, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và cải thiện môi trường. Những năm gần đây, số lượng HTX ứng dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, tham gia vào sản xuất công nghệ cao ngày càng nhiều; xuất hiện các HTX nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương, thực hiện liên kết chuỗi, nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp, nhà phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh. Góp phần hình thành được một số vùng sản xuất hàng hoá nông sản tập trung phục vụ chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu tại các địa phương, từ đó từng bước xóa bỏ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hướng đến mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.

Tuy đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng nhìn chung khu vực KTTT, HTX của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Phong trào KTTT, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GRDP của tỉnh hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác quản lý nhà nước về KTTT còn chồng chéo, chưa thống nhất giữa các sở, ngành; việc quản lý theo dõi HTX chưa được cơ quan giao quản lý HTX quan tâm thực hiện dẫn đến công tác tổng hợp còn chưa đầy đủ. Công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật trong phát triển KTTT của các HTX, cá nhân, tổ chức liên quan còn hạn chế, chưa kịp thời. Việc cụ thể hoá các chính sách, chế độ đối với HTX vẫn còn nhiều bất cập và hiệu quả chưa cao, chưa thực sự tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho HTX phát triển. Phần lớn các tổ chức KTTT, HTX có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các huyện, thành phố, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn chậm được hình thành và phát triển, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị còn yếu. Việc liên kết, liên doanh giữa HTX với HTX, giữa HTX với các thành phần kinh tế khác còn ít, hiệu quả chưa cao. Trình độ, năng lực tổ chức, quản lý kinh tế của đội ngũ cán bộ quản lý trong lĩnh vực KTTT còn nhiều hạn chế; công tác quản lý tài chính, hạch toán kế toán của nhiều HTX chưa đúng quy định, dẫn đến nhiều bất cập trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ cũng như cản trở sự phát triển của các HTX.

Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái thăm mô hình trồng rau công nghệ cao tại HTX Rau sạch Yên Dũng

Nhằm phát huy các kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế để đưa KTTT, HTX tỉnh phát triển ổn định, bền vững, hiệu quả. Ủy ban nhân dân tỉnh có những định hướng cụ thể để phát triển KTTT, HTX tỉnh giai đoạn 2021-2030: (1) Khuyến khích phát triển KTTT, HTX trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế, trên mọi địa bàn trong tỉnh, nhất là các mô hình HTX sản xuất theo chuỗi, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh doanh tổng hợp, thương mại dịch vụ...; tăng số lượng thành viên tham gia vào HTX không hạn chế trên các địa bàn, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích của thành viên tham gia HTX; (2) Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, phù hợp quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới của tỉnh, trong đó xác định rõ các vùng sản xuất tập trung gắn với các sản phẩm có thế mạnh của từng huyện, thành phố như vùng sản xuất rau an toàn, rau chế biến, vùng sản xuất hoa, vùng sản xuất cây ăn quả, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất cây lâm nghiệp; (3) Đầu tư nguồn lực xây dựng, phát triển các mô hình HTX liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm chủ lực của địa phương có ký kết hợp đồng dài hạn với các tổ chức, doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững. Xây dựng các mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng có sản xuất hiệu quả như dư lưới, dưa leo, rau thủy canh, rau trái vụ, hoa chất lượng cao, nấm cao cấp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thực hiện liên kết chuỗi chuỗi giá trị bền vững.

Để thực hiện tốt định hướng phát triển trong giai đoạn tới triển khai thực hiện đồng bộ các 08 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau: (1)Tuyên truyền nâng cao nhận thức về KTTT, HTX; (2) Hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách; (3) Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển HTX; (4) Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, xây dựng mô hình hợp tác xã hiệu quả và tổng kết mô hình; (5) Huy động nguồn lực xã hội để phát triển KTTT; (6) phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, hội, hiệp hội trong phát triển KTTT; (7) Về tăng cường vai trò, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; (8) Xây dựng chương trình, dự án mang tính đột phá.

Xem chi tiết báo cáo định hướng chiến lược phát triển KTTT Tại đây

Vũ Thị Thanh Huyền - Phòng Nghiệp vụ

 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.