Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tham gia xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị

Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh tham gia xây dựng mô hình, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, OCOP góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, nâng cao năng lực quản lý và tổ chức sản xuất cho nông dân.

Tuyên truyền, triển khai các chính sách liên kết, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị

Bắc Giang Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất quan trọng, đóng góp 17,5% GDP của tỉnh (năm 2020). Nông nghiệp góp phần ổn định cuộc sống của phần lớn dân cư nông thôn, là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị, tạo tiền đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nông nghiệp, nông dân cung cấp lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu với nhu cầu số lượng và chất lượng ngày càng tăng, đồng thời cung cấp nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp chế biến và nhiều ngành công nghiệp nặng, như: dệt may, hóa chất… Khu vực nông nghiệp, nông thôn ngày càng phát triển năng động với dân số đông và nhu cầu cơ giới hóa, hiện đại hóa ngày càng nhiều. Khu vực này sẽ là thị trường tiêu thụ hàng hóa đa dạng về chủng loại, số lượng, chất lượng của các ngành công nghiệp, dịch vụ, như: máy móc, thiết bị cơ điện nông nghiệp, máy cấy, máy gặt, đập… Do đó, tăng trưởng ngành nông nghiệp sẽ kéo theo tăng trưởng chung của các ngành khác.

Nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là cơ sở tạo thêm nhiều động lực để thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Trung ương và của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội. Các cấp hội tập trung triển khai, tuyên truyền, vận động nông dân tham gia và hưởng lợi các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị như Đề án số 2185/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh về Đề án mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2017 – 2018; Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND ngày 12/7/2018 của HĐND tỉnh ban hành một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; đề án mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP).Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh ban hành Đề án số 07 - ĐA/HNDT ngày 27/3/2017 về "Nâng cao vai trò của Hội Nông dân trong liên kết hợp tác phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 ”; Nghị quyết số 02-NQ/HNDT về nâng cao vai trò của Hội Nông dân các cấp trong tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ hội viên, nông dân giai đoạn 2020 - 2023. Các cấp hội đã trực tiếp tham gia và phối hợp triển khai hướng dẫn nông dân, các tổ hợp tác tham gia vào các mô hình thuộc đối tượng thụ hưởng các chính sách; tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu mô hình thông qua truyền thông, trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm kinh tế; tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh và Trung ương.

Nông dân- chủ thể chuỗi liên kết

Xác định nông dân là chủ thể trong việc xây dựng và tham gia các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, song song với việc trang bị, bồi dưỡng kiến thức kinh tế, kỹ năng quản lý cho nông dân, còn phải có những tác động để nông dân thấy được và có được những lợi ích khi tham gia chuỗi. Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức các hội nghị tập huấn, tọa đàm, trao đổi về hiệu quả của mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tổ chức cho nông dân tham quan thực tế các mô hình; tuyên truyền, từng bước thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ sang liên kết hợp tác; cách làm từ cá thể sang tập thể,  phương thức sản xuất truyền thống gắn liền với sản xuất nông nghiệp hàng hóa,  ứng dụng KHKT,  thân thiện với môi trường nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác gắn với chuỗi giá trị và phát triển bền vững, đã tổ chức 10 cuộc tọa đàm giữa nông dân với doanh nghiệp về liên kết tiêu thụ sản phẩm cho trên 1500 đại biểu là cán bộ, hội viên nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; trên 20 lớp tập huấn khởi sự hợp tác xã cho trên trên 1.500 cán bộ, hội viên, nông dân có nhu cầu thành lập HTX, thành viên HTX; trên 10 cuộc tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về quản lý sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao với trên 1000 cán bộ, hội viên nông dân, chủ trang trại và giám đốc các hợp tác xã,... Bên cạnh đó, các cấp hội còn tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ nông dân, tổ hợp tác và hợp tác xã xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh; các kỹ năng đàm phám hợp đồng trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; những kiến thức pháp luật để chủ động bảo vệ quyền lợi trong quá trình tham gia chuỗi liên kết.

Chuỗi liên kết phát triển bền vững, sản phẩm phải chất lượng và bảo đảm an toàn thực phẩm. Các cấp hội đã tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, chuyển dần từ phương thức sản xuất đơn lẻ, độc lập sang hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, dần xóa bỏ tình trạng" rau hai luống, lợn hai chuồng", vận động 100% hộ hội viên nông dân (250.000) trực tiếp sản xuất ký cam kết sản xuất kinh doanh nông sản an toàn, xây dựng hằng trăm mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, an toàn sinh học. Từ những chuyển biến tích cực trong nhận thức về sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, nhiều sản phẩm của nông dân Bắc Giang đã được sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị như rau, nấm, thịt lợn, gà đồi, dê,…Ðây là  tiền đề quan trọng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và sản phẩm chủ lực của tỉnh như vải thiều Lục Ngạn, Na Lục Nam, rau thành phố Bắc Giang, vải sớm Tân Yên, nấm Lạng Giang, gà đồi Yên Thế, bánh chưng vân Hiệp Hòa, mật ong Sơn Động,…

Xây dựng và nhân rộng mô hình hiệu quả

Để xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm phát triển bền vững, các cấp hội đã tập trung xây dựng mô hình liên kết, hợp tác; tổ hội, chi hội nghề nghiệp tập trung vào các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, Ocop của tỉnh. Các mô hình được hội hướng dẫn thành lập, hỗ trợ về kỹ thuật, giống, vốn, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, bao bì, tem nhãn truy xuất nguồn gốc,…bước đầu đã tạo thương hiệu, hoạt động hiệu quả là tiền đề thành lập các hợp tác xã, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Các cấp Hội đã xây dựng được hơn 4.000 mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp hàng hóa; trên 200 mô hình kinh tế tập thể, hơn 600 tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ vải thiều. Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, bền vững như HTX sản xuất thương mại và dịch vụ nông nghiệp Phì Điền (Lục Ngạn). Ban đầu chỉ với 7 thành viên của tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả, sau được hỗ trợ thành chi hội nghề nghiệp và thành lập HTX với 43 thành viên trực tiếp sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm vải, táo, cam, gạo nếp. HTX được Hội hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng thành viên Hội đồng quản trị, hỗ trợ giống, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, Globlagap, hướng dẫn xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc, bao bì sản phẩm. Sản phẩm của HTX được tiêu thụ ở các siêu thị, đặc biệt sản phẩm vải thiều của HTX sản xuất theo tiêu chuẩn Globlagap đã xuất khẩu sang một số nước Châu Âu, sản phẩm vải thiều khô được công nhận sản phẩm Ocop đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Được sự hỗ trợ từ Hội Nông dân tỉnh, thông qua Chương trình (MTCP2), các hộ trồng na dai tại xã Nghĩa Phương ( Lục Nam) đã được trang bị kiến thức và nâng cao năng lực về lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, nghiên cứu thị trường, hoạt động marketing, phát triển HTX, thăm quan nghiên cứu các mô hình tổ hợp tác, HTX thành công trong và ngoài tỉnh… HTX na dai Nghĩa Phương với…. thành viên. Đến nay, HTX đã phát triển và hoạt động ổn định, các thành viên gắn bó với HTX, cùng cộng đồng trách nhiệm trồng và chăm sóc cây na theo tiêu chuẩn VietGap. Toàn bộ sản phẩm do các thành viên HTX sản xuất ra đều được Ban Giám đốc HTX ký kết với các siêu thị, cửa hàng bán sản phẩm nông nghiệp an toàn trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận theo “chuỗi giá trị” với giá thành ổn định, có lãi cao. Đến nay, HTX đã phát triển ổn định, được các hộ thành viên nhiệt tình hưởng ứng tham gia đồng thời đóng góp tích cực trong phát triển na thành sản phẩm chủ lực và được cấp chỉ dẫn địa lý của huyện.

Từ nguồn Quỹ HTND đã hỗ trợ vốn cho các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Đồng thời hội còn định hướng, tư vấn việc sử dụng nguồn vốn; cung cấp thông tin thị trường, giá cả sản phẩm; phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Thông qua các mô hình Quỹ HTND đã thành lập 145 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 10 chi hội nông dân nghề nghiệp, 130 tổ hợp tác và 12 HTX kiểu mới. Điển hình như mô hình "Trồng và chăm sóc cây cam đường canh" tại xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn đã thành lập mô hình " Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản"; mô hình "Nuôi dê sinh sản" ở xã Lan Giới đã góp phần hình thành vùng nuôi dê tập trung của huyện với tổng đàn dê trên 1.500 con và thành lập HTX chăn nuôi dê. HTX Đồng Tâm 3 ( Hiệp Hòa) được  hỗ trợ một tỷ đồng phát triển mô hình tồng dưa lưới công nghệ cao thành công, là HTX đầu tiên của tỉnh tham gia liên hiệp HTX kinh tế số Việt Nam.

Kết nối, hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Cùng với các hoạt động trên, các cấp hội còn là cầu nối để các mô hình liên kết, sản xuất tiêu thụ sản phẩm tiếp cận được nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Với trên 3.400 tỷ đồng dư nợ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT đã giúp các tổ hợp tác, HTX, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, để quảng bá, giới thiệu và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã ký chương trình phối hợp với Hội Nông dân thành phố Hà Nội, Hội Nông dân các tỉnh Hà Giang, Vĩnh Phúc; chủ động phối hợp với các sở, ngành của tỉnh thực hiện hợp tác, kết nối sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn cho người dân. Đặc biệt, đợt dịch covid-19 lần thứ 4 bùng phát, tỉnh Bắc Giang chịu ảnh hưởng nặng nề, với tinh thần “Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Cùng nhau vượt qua đại dịch”. Bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu quả vải thiều Lục Ngạn trên các kênh thông tin đại chúng qua Webside, Fanpage, Facebook, zalo,…; Kết nối với Trung tâm Hỗ trợ Nông dân, nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, các sàn thương mại điện tử (Postmart.vn),…lập chuyên mục “Hỗ trợ tiêu thụ Vải thiều” trên trang thông tin điện tử Hội Nông dân tỉnh,…phối hợp tổ chức một số điểm quảng bá và tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh; lựa chọn những HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và đóng gói bảo đảm quy cách theo quy định, có nhãn mác truy xuất nguồn gốc và có giấy chứng nhận lô hàng an toàn.

Kết quả các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã kết nối, hỗ trợ tiêu thụ được 5.483 tấn, bao gồm: vải 3.057 tấn (trong đó vải thiều Lục Ngạn 2.088 tấn, còn lại các huyện Lục Nam, Lạng Giang, Yên Thế, Sơn Động); 1.729 tấn dứa, dưa hấu, dưa lê, dưa vàng, thanh long; 458 rau củ quả; gà, vịt, chim bồ câu 206 tấn…, tổng giá trị 72,6 tỷ đồng. Đặc biệt Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã trực tiếp kết nối với HND của 03 tỉnh Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Trị và Báo điện tử Dân việt/Báo Nông thôn tiêu thụ trên 70 tấn vải thiều Lục Ngạn. Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố thành lập các tổ, đội tình nguyện tại cơ sở (tổ, đội tình nguyện bình quân từ 10-15 người) có khoảng 3.000 lượt người hàng ngày tham gia hỗ trợ các gia đình cách ly thu hoạch, bốc vác, vận chuyển và tiêu thụ nông sản. Kết quả đến nay các cấp hội hỗ trợ thu hoạch vải, nông sản và bốc vác, vận chuyển được 17.845 lượt cán bộ, hội viên tham gia, điển hình HND huyện Yên Dũng, Lục Ngạn, Yên Thế, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Việt Yên.

Một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới

Các mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị vẫn còn nhiều khó khăn, cần tháo gỡ để phát triển bền vững, như tình trạng sản xuất nông nghiệp còn mang tính nhỏ lẻ, có sự tham gia của nhiều hộ; hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung nhưng tính tổ chức, liên kết còn hạn chế và chưa có những dự án đầu tư tổ chức sản xuất liên kết giữa các vùng; việc tích tụ, tập trung đất đai vẫn còn nhiều trở ngại, người dân vẫn còn tâm lý giữ đất, e ngại xảy ra những biến động trong việc cho thuê quyền sử dụng đất; nhận thức của một bộ phận nông dân còn hạn chế, chưa thật sự tuân thủ những ràng buộc trách nhiệm khi tham gia chuỗi,…để các mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị phát triển bền vững, Hội Nông dân tỉnh đưa ra một số đề xuất, kiến nghị sau:

1. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đề nghị bổ sung một số cơ chế đặc thù hỗ trợ xây dựng chuỗi, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ sau đầu tư, tập trung vào khâu sơ chế, chế biến, nhãn mác hàng hóa, truy xuất nguồn gốc và thương mại, tiêu thụ sản phẩm... nhằm khuyến khích nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Cụ thể như: Hỗ trợ tối đa 50% chi phí về giống và vật tư thiết yếu phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất; hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao, nhưng không quá 300 triệu đồng/ứng dụng; hỗ trợ 100% chi phí lần đầu thuê tổ chức tư vấn, đánh giá, chứng nhận hoạt động sản xuất nông nghiệp theo quy trình thực hành tốt như: VietGAP, GlobalGAP; trang trại chăn nuôi hoặc vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh…

2. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển cơ cấu sản xuất, trong đó ưu tiên phát triển cây con chủ lực của tỉnh, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương gắn với triển khai Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” OCOP theo 3 trục chủ lực: Sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản của địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ; triển khai các giải pháp tận dụng tối đa cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường sản xuất theo quy chuẩn, chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, nhằm tạo được sức hút trong liên kết tiêu thụ sản phẩm.

3. Đẩy mạnh việc củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của loại hình sản xuất hợp tác như tổ hợp tác, hợp tác xã; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nâng cao trình độ, năng lực sản xuất cho nông dân, sản xuất phải theo thị trường, không theo phong trào. Nghiên cứu lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với vùng miền, với biến đổi khí hậu; xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác công nghệ cao, quy trình bảo quản và chế biến nông sản.

4. Đa dạng hóa các hình thức liên kết, có hai hoặc nhiều chủ thể tham gia như: Doanh nghiệp liên kết với Nhà nước và nông dân; Doanh nghiệp liên kết với doanh nghiệp và nông dân trong việc cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra; Doanh nghiệp liên kết với nhà khoa học, đơn vị chuyển giao kỹ thuật và nông dân; Nông dân liên kết với nông dân và doanh nghiệp…

5. Định kỳ tổ chức Hội thảo, sơ tổng kết để rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp thực hiện đạt hiệu quả cao hơn.

                                                                                  Lã Văn Đoàn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.