Bắc Giang: Phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp của tỉnh bên cạnh những thuận lợi, cũng gặp phải những khó khăn, thách thức, đó là: Biến đổi khí hậu gây thời tiết bất thường, làm tăng nguy cơ thiên tai; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, khó lường; giá nông sản không ổn định; dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện năm 2019 vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát; đặc biệt dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào đầu tháng 5/2021 có diễn biến phức tạp và lan rộng trên địa bàn, đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và sản xuất của ngành nông nghiệp nói riêng... đã ảnh hưởng đến sản xuất của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo của đảng, nhà nước, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của các HTX nông nghiệp và người dân; sự đồng hành của các cấp, ngành, cơ quan truyền thông, báo chí đã tạo sự đồng thuận trong xã hội, nên ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển toàn diện trên các lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng; tốc độ tăng trưởng GRDP toàn ngành giai đoạn 2016-2020 bình quân đạt 1,9%/năm, giá trị sản xuất bình quân trên ha đất nông nghiệp đạt 120 triệu đồng/ha...

Phát huy kết quả đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian vừa qua, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp Tỉnh uỷ Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 401-NQ/TU ngày 3/4/2019 về chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, tỉnh Bắc Giang sẽ phấn đấu xây dựng nền nông nghệp theo hướng hiện đại, bền vững dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn, có năng suất, chất lượng, có sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trên cơ sở phát triển các HTX nông nghiệp có sự hợp tác, liên kết sản xuất chặt chẽ theo chuỗi giá trị; trọng tâm là phát triển hai trục sản phẩm: (1) Nhóm các sản phẩm chủ lực của tỉnh, quy hoạch và xây dựng thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến; (2) Nhóm các sản phẩm là đặc sản địa phương, có quy mô nhỏ theo mô hình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Phấn đấu đến năm 2030, Bắc Giang là vùng trọng điểm nông nghiệp quốc gia, đứng đầu miền Bắc.

Hội đồng chấm điểm sở khảo các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Tân Yên

Đặc biệt, từ nửa đầu năm 2021 tỉnh Bắc Giang phải đối mặt với khó khăn, thách thức lớn chưa từng có khi dịch Covid -19 bùng phát tại nhiều địa phương, đúng thời điểm thu hoạch vải thiều và các nông sản chủ lực của tỉnh, là tâm dịch lớn nhất của cả nước; để khống chế dịch bệnh, có thời điểm tỉnh đã phải tạm dừng hoạt động 04 khu công nghiệp, 8/10 huyện, thành phố và nhiều xã phải thực hiện giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa. Hàng loạt các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp bị gián đoạn (khoảng 70-80% HTX giảm sút doanh thu), đời sống nhân dân bị đảo lộn. Trước tình hình đó, tỉnh Bắc Giang đã chủ động đề ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho HTX, bà con nông dân; Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã chủ động và phối hợp với các ngành liên quan đề ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn và luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp, HTX lĩnh vực nông nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời xây dựng kịch bản thích ứng với từng điều kiện dịch bệnh; tham mưu ban hành nhiều chính sách hỗ trợ; Thành lập Tổ chỉ đạo sản xuất; Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản; Thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp, HTX nông nghiệp và người dân; xây dựng chuyên mục giải đáp các thắc mắc/ý kiến của doanh nghiệp; lập fanpage Sở Nông nghiệp và PTNT để công khai các chính sách hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, kết nối tiêu thụ sản phẩm; thực hiện cắt giảm 42,5% cuộc kiểm tra, thanh tra; thực hiện đơn giản hoá các thủ tục hành chính; đa dạng các kênh tiêu thụ sản phẩm (truyền thống và trên sàn thương mại điện tử); huy động cả hệ thống chính trị cùng chung sức hỗ trợ tiêu thụ nông sản…. qua đó các nông sản của tỉnh trong thời điểm dịch đã được tiêu thụ với giá bán cơ bản ổn định, các doanh nghiệp, HTX lĩnh vực nông nghiệp từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh, kết quả tỉnh Bắc Giang tiếp tục có vụ vải thiều được mùa, được giá, xuất khẩu đi 30 nước; tổng doanh thu từ vải thiều đạt 6.821 tỷ đồng, tương đương với năm 2020.

Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, HTX hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Đối với các hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới, phát triển cả về số lượng, chất lượng, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, dần thích nghi với cơ chế thị trường, hỗ trợ tốt cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình. Tỉnh đã tập trung nguồn lực hỗ trợ đầu tư hạ tầng (thủy lợi nội đồng; nhà kho, xưởng để sơ chế đóng gói và kho lạnh bảo quản; điện phục vụ sản xuất; giao thông nội đồng) cho 68 lượt HTX nông nghiệp với 73,48 tỷ đồng, giúp HTX chuẩn hóa quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, nâng cao hiệu quả hoạt động; ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX nông nghiệp (Nghị quyết 24/2018/NQ-HĐND ngày 7/12/2018; Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 10/8/2021 của HĐND tỉnh và Quyết định số 1802/QĐ-UBND ngày 25/8/2021 của UBND tỉnh); tập huấn cho 1.764 lượt cán bộ HTX và thí điểm đưa 04 cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại 04 HTX. Đến nay, toàn tỉnh đã có 584 HTX nông nghiệp, chiếm 64,81% tổng số HTX toàn tỉnh (tăng 321 HTX so với năm 2013, mỗi năm thành lập mới từ 30-50 HTX; trong đó: Có 184 HTX trồng trọt, chiếm 31,5%; 85 HTX chăn nuôi, chiếm 14,5%; 135 HTX thủy lợi, chiếm 23,1%; 40 HTX thủy sản, chiếm 6,8% và 140 HTX tổng hợp, chiếm 23,9%) với 10.373 thành viên, thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX đạt từ 3-4 triệu đồng/tháng, đời sống của thành viên HTX và lao động trong HTX tăng lên đáng kể, từng bước cải thiện kinh tế hộ thành viên.

Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn do dịch Covid -19, song nhiều HTX đã cố gắng khắc phục khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, 09 tháng đầu năm 2021 vẫn có thêm 55 HTX được thành lập mới, vượt 275% kế hoạch; số HTX hoạt động khá, tốt chiếm gần 49%; có 48 HTX nông nghiệp ứng dụng CNC vào sản xuất, chiếm 8,2% tổng số HTX, 175 HTX có hoạt động liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản với các doanh nghiệp, đơn vị đầu mối thu mua, chiếm 29,9% tổng số HTX; các HTX yếu kém hoặc ngừng hoạt động lâu ngày được các địa phương hướng dẫn tổ chức lại hoạt động hoặc thực hiện giải thể theo quy định; một số HTX nông nghiệp điển hình của tỉnh như: HTX Rau sạch Yên Dũng; HTX nông nghiệp Đồng Tâm 3; HTX DV NN Thảo Mộc Linh; HTX NN SX&KD DVTH Hồng Xuân; HTX NN “Xanh” Yên Thế; HTX Chăn nuôi và DVTP sạch Tín Nhiệm... đã góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí số 13 hình thức tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí nông thôn mới.

Cùng với các thành phần kinh tế khác sau gần 04 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP các HTX góp phần không nhỏ vào kết quả tích cực đã đạt được của các huyện, thành phố nói riêng và cả tỉnh nói chung, từ đó tạo động lực mới trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn, góp phần nâng tầm sản phẩm đặc sản địa phương; một số địa phương đã khai thác hiệu quả các sản phẩm đặc sản, truyền thống gắn với lợi thế để phát triển các sản phẩm OCOP nổi bật như huyện Yên Thế, Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn, Tân Yên,... Đến nay, toàn tỉnh có 117 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên (năm 2019 là 46 sản phẩm, năm 2020 là 49 sản phẩm, 6 tháng đầu năm 2021 có 22 sản phẩm) đứng thứ 13 cả nước và thứ 3 khu vực miền núi phía Bắc, trong đó: Có 34 sản phẩm 4 sao (chiếm 29,1%); 83 sản phẩm đạt 3 sao (chiếm 70,9%); có 94 sản phẩm nhóm thực phẩm (chiếm 80,3%), 19 sản phẩm nhóm đồ uống (chiếm 16,2%) và 4 sản phẩm nhóm thảo dược (chiếm 4,3%); có 65 chủ thể có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh (49 HTX, chiếm 75,4%; 10 doanh nghiệp, công ty, chiếm 15,4% và 6 cơ sở sản xuất, chiếm 9,4%)… Xuất hiện thêm nhiều sản phẩm mới tham gia chương trình mang tính đặc trưng, đặc sản của địa phương như: Sâm Nam Núi Dành của HTX sản xuất tiêu thụ Sâm nam núi Dành; Na dai Nghĩa Phương của HTX Na dai Nghĩa Phương; Vú sữa Tân Yên của HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vú sữa Hợp Đức; Măng lục trúc lâm sinh Ngọc Châu của HTX măng lục trúc Lâm sinh Ngọc Châu; Rượu nếp cái hoa vàng của HTX Vân Hương,... Một số huyện có nhiều sản phẩm OCOP như Việt Yên, Lục Ngạn (20 sản phẩm), Yên Thế (16 sản phẩm)…

Hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cũng được các HTX trên địa bàn quan tâm thực hiện, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 130-NQ/TU ngày 16/8/2016 về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020 và HĐND tỉnh ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ mô hình công nghệ cao rau, hoa quy mô từ 2.000m2 trở lên (Nghị quyết số 46/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016). Toàn tỉnh đã triển khai xây dựng 766 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hiệu quả (trồng trọt 332 mô hình, chăn nuôi 200 mô hình, thủy sản 210 mô hình, lâm nghiệp 24 mô hình). Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích ứng dụng công nghệ cao bình quân từ 220-250 triệu đồng/ha/năm cao hơn từ 2-2,5 lần so với sản xuất thông thường.

 Từ hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng nhà lưới, nhà màng, nhiều chủ mô hình đã mạnh dạn bỏ vốn đối ứng đầu tư để thuê đất, góp đất nhằm tích tụ đất đai tạo thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông, kênh mương nội đồng, hệ thống tưới nhỏ giọt, nhà sơ chế, kho lạnh, đường điện...), mua giống, vật tư phân bón, thuê chuyên gia và lao động thời vụ của địa phương, điển hình như: HTX rau sạch Yên Dũng đã đầu tư mở rộng vùng sản xuất tập trung với quy mô khoảng 60 ha (tại huyện Yên Dũng 50ha, huyện Lạng Giang 10ha), trong đó mô hình nhà lưới, nhà màng với quy mô khoảng 5ha, lợi nhuận đạt từ 400-500 triệu đồng/ha/vụ; HTX nông nghiệp Đồng Tâm 3 (huyện Hiệp Hòa) đầu tư mở rộng vùng sản xuất với quy mô tập trung khoảng 12ha, trong đó mô hình nhà lưới nhà màng khoảng 2,5ha, lợi nhuận đạt từ 400-450 triệu đồng/ha/vụ, sản phẩm được Công ty SVL ở Hà Nội và Liên hiệp HTX công nghệ cao Việt Nam ký hợp đồng tiêu thụ.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được. Nhìn chung thực tế cho thấy lĩnh vực HTX tỉnh ta vẫn tồn tại những hạn chế, yếu kém cần khắc phục như: số lượng thành viên trong HTX giảm (năm 2020 giảm 2.664 thành viên so với năm 2018); quy mô HTX đa phần còn nhỏ, sự liên kết, hợp tác giữa các thành viên trong các HTX còn lỏng lẻo. Thời gian qua các HTX lĩnh vực nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thông qua tổng hợp 100 phiếu thăm dò ý kiến do Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện, có 70 ý kiến khó khăn về nguồn vốn và tiếp cận nguồn vốn, có 55 ý kiến khó khăn về ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá, thị trường tiêu thụ sản phẩm, có 47 ý kiến khó khăn về đất đai, có 26 ý kiến khó khăn về năng lực trình độ quản lý của HTX còn hạn chế, có 15 ý kiến khó khăn về việc tiếp cận và thực hiện chính sách mới, có 68 ý kiến đề xuất về  lĩnh vực nông nghiệp (giá cả vật tư đầu vào, tiếp cận chính sách và thanh quyết toán nguồn vốn hỗ trợ một số chính sách, hỗ trợ đầu tư hạ tầng HTX...); có 44 HTX ngừng hoạt động, có 19 HTX hoạt động yếu kém.

HTX nông  nghiệp xanh Yên Thế phát biểu tham luận tại Hội nghị gặp mặt đối thoại với các doanh nghiệp,
HTX hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Số sản phẩm đã được công nhận OCOP của các HTX tuy chiếm phần lớn song tỷ lệ đăng ký nâng hạng sao còn hạn chế (mới có 03/117 sản phẩm được công nhận đăng ký nâng sao), đến tháng 9/2021 mới có sản phẩm Chả gà của HTX nông nghiệp xanh Yên Thế nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao. Các HTX chhưa có sản phẩm tiềm năng 5 sao cấp quốc gia; chưa nhận thức rõ về ý nghĩa chương trình nên chưa quan tâm đến nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới theo hướng nâng cao hàm lượng chế biến gắn với vùng nguyên liệu địa phương, các làng nghề; nhiều sản phẩm còn chưa tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng, ghi bao bì, nhãn mác, sở hữu trí tuệ,...; hoạt động xúc tiến thương mại thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối để tạo hình ảnh, nhận diện sản phẩm OCOP và thay đổi nhận thức của người tiêu dùng; một số chủ thể chưa biết khai thác giá trị sản phẩm đạt OCOP.

Các mô hình ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp cơ bản còn nhỏ, phân tán, khả năng liên kết giữa các mô hình còn hạn chế; hàm lượng công nghệ cao chưa nhiều, chưa mang tính hệ thống, thiếu đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu thu hoạch, sơ chế và bảo quản sản phẩm; việc áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học để sản xuất ra các sản phẩm nông sản sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa nhiều; sản xuất của một số mô hình còn mang tính thử nghiệm (nho, dâu tây, cà chua bi), lựa chọn đối tượng cây trồng hiệu quả chưa cao...

Từ thực trạng các HTX nêu trên cùng dự báo tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến các mặt của đời sống xã hội. Trong thời gian tới các HTX lĩnh vực nông nghiệp cần tiếp tục nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới phương án sản xuất kinh doanh để thích ứng với điều kiện dịch bệnh, tăng cường hợp tác trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tập trung thực hiện một số nội dung sau:

- Tiếp tục đẩy mạnh việc tháo gỡ khó khăn cho các HTX lĩnh vực nông nghiệp, định kỳ hàng năm tổ chức đối thoại với HTX; vận hành hiệu quả đường dây nóng, fanpage Sở Nông nghiệp và PTNT và chuyên mục giải đáp các thắc mắc/ý kiến của HTX để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh; khẳng định sự đồng hành của Sở Nông nghiệp và PTNT trong sự phát triển của HTX nông nghiệp vì một nền nông nghiệp hợp tác, hiệu quả và phát triển;

- Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; định hướng thời gian tới là sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, sạch, an toàn (VietGap, GlobalGap), xây dựng một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tạo sản phẩm chất lượng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; tập trung vào các khâu có tính đột phá, theo hướng phát huy lợi thế của từng địa phương, không dàn trải; xây dựng tỉnh Bắc Giang là vùng cây ăn quả trọng điểm của Quốc gia;

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất, nhất là HTX lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP. Xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp, phát triển HTX nông nghiệp gắn liền với sản phẩm ngành nghề nông thôn, sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh và sản phẩm OCOP; hỗ trợ HTX nông nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tiếp tục hỗ trợ đầu tư hạ tầng HTX lĩnh vực nông nghiệp (giai đoạn 2021-2025 ngân sách nhà nước đầu tư 50 tỷ đồng). Phấn đấu đến năm 2025: Bình quân mỗi năm thành lập mới từ 20-30 HTX nông nghiệp, luỹ kế toàn tỉnh có 665 HTX lĩnh vực nông nghiệp; nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất (khoảng 40% HTX lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao); tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX (khoảng 45% HTX liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị); mỗi năm tăng số HTX hoạt động hiệu quả thêm 2% (đến năm 2025 có 70% số HTX nông nghiệp hoạt động từ khá trở lên); giảm số HTX nông nghiệp yếu, kém; giải quyết dứt điểm tình trạng HTX nông nghiệp hoạt động không hiệu quả, ngừng hoạt động theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

- Đẩy mạnh liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm: HTX tích cực tham gia thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 44/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh để hình thành vùng nguyên liệu tập trung; khuyến khích HTX làm chủ trì liên kết, phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với hộ gia đình trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm;

- Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông sản có thế mạnh, tiến tới xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Đa dạng hoá các hình thức tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ xây dựng Website thương mại điện tử cho các HTX và đưa sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP nên sàn thương mại điện tử. Hình thành một số điểm giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm địa phương. Tiếp tục quan tâm phát triển thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc và một số nước Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Trung Đông;

- Tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách về nông nghiệp đã ban hành; công khai các chính sách trên Wedsite của Sở, fanpage Sở Nông nghiệp và PTNT để nâng cao khả năng tiếp cận các chính sách về nông nghiệp đảm bảo công khai, khách quan, bình đẳng, hiệu quả, nhất là đối với các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp quy mô nhỏ và vừa. Tiếp tục hoàn thiện chính sách thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 401-NQ/TU ngày 03/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, như: Chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ; Hỗ trợ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; Chuyển đổi số trong nông nghiệp; Đề án phát triển sản xuất cây ăn quả bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025;

- Đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC liên quan đến HTX nông nghiệp; rà soát, thực hiện đơn giản hóa, số hóa đối với các TTHC thường xuyên phát sinh; cắt giảm các thủ tục chồng chéo, không cần thiết; cắt giảm tối đa thời gian giải quyết TTHC, tăng cường giải quyết TTHC bằng hình thức trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC; phấn đấu 100% TTHC được giải quyết đúng hoặc nhanh hơn quy định pháp luật hiện hành.

Với những tiềm năng và lợi thế của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh với tinh thần tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh tập thể, trong giai đoạn tới các HTX lĩnh vực nông nghiệp sẽ trở thành những hạt nhân tiêu biểu trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông nghiệp nông thôn các địa phương, góp phần cùng cả tỉnh phấn đấu đưa nền nông nghiệp tiếp tục phát triển, trở thành trọng điểm nông nghiệp quốc gia, đứng tốp đầu miền Bắc.

Nguyễn Cao Lâm - Chi cục PTNT

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.