Phát triển kinh tế HTX theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới tại Bắc Giang

Trong những năm gần đây, các mô hình kinh tế hợp tác, Hợp tác xã (HTX) tại Bắc Giang đã và đang từng bước phát triển, khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong công cuộc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Sự phát triển của mô hình HTX tại Bắc Giang đã khắc phục những tồn tại trong sản xuất nông nghiệp hiện nay bao gồm: sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quản lý chất lượng nông sản. Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã dần trở thành nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện, nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động, gắn phát triển kinh tế hợp tác xã với Chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của kinh tế hợp tác xã trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể cơ bản được củng cố, từng bước cải cách và nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trong việc đăng ký thành lập, bổ sung đăng ký thành lập cho hợp tác xã. Tỉnh Bắc Giang ban hành nhiều văn bản khuyến khích hỗ trợ phát triển HTX, trong đó trọng tâm là Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang quy định một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX, liên hiệp HTX trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 10/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định tại nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018; Quyết định 1802/QĐ-UBND ngày 25/8/2021 Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ban hành phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025.

Để đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, tỉnh đã quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với 35 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hình thành 48 HTX nông nghiệp có hoạt động sản xuất ứng dụng khoa học, công nghệ; hỗ trợ 184 mô hình, trong đó có 16 mô hình HTX nhà lưới, nhà màng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích là 403.057 m2. Ngoài ra, các địa phương trong toàn tỉnh hỗ trợ trên 120 mô hình sản xuất rau, hoa, nấm ứng dụng công nghệ cao với diện tích 133.676m2.   

UBND tỉnh ban hành Quy chế xây dựng và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh; triển khai xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại hằng năm, từng giai đoạn và chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả. Hằng năm, tổ chức một số hội nghị, đoàn công tác của tỉnh đi khảo sát thị trường trong và ngoài nước để giới thiệu, quảng bá, tìm giải pháp tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương; hỗ trợ các HTX trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng website, đăng ký quản lý sử dụng nhãn hiệu, đăng ký bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương, như: vải thiều Lục Ngạn, mỳ Chũ, gà đồi Yên Thế..., hỗ trợ HTX tham gia hội chợ trong và ngoài nước. Duy trì hoạt động kết nối giữa các đơn vị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh với hệ thống các siêu thị và các doanh nghiệp phân phối lớn tại Hà Nội.

Trong giai đoạn 2013-2020, tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các HTX tham gia hội chợ trong và ngoài nước hơn 2,04 tỷ đồng, bình quân 15 triệu/HTX/lần. Nhiều HTX được hướng dẫn đăng ký mã số, mã vạch quốc gia, ghi nhãn hiệu lên bao bì sản phẩm trước khi đem ra thị trường. Hiện có 60 sản phẩm nông sản được cấp chứng nhận quyền sở hữu công nghiệp trong thời hạn dưới các hình thức bảo hộ: chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể (cụ thể: 02 chỉ dẫn địa lý, 04 nhãn hiệu chứng nhận và 54 chứng nhận tập thể do các HTX và hội đăng ký). Có 04 sản phẩm nông sản được bảo hộ ở nước ngoài, gồm: vải thiều Lục Ngạn, mỳ Chũ, mỳ Kế, gà đồi Yên Thế.

Từ kết quả trên cho thấy, các HTX đã hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, tạo điều kiện cho kinh tế hộ trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, sử dụng dịch vụ, tiếp cận thị trường... phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất có hiệu quả, nâng cao hiệu quả kinh tế và nhất là đã thực hiện việc liên kết, bảo đảm đầu ra cho nông sản. Trên một số lĩnh vực, HTX đã mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh tổng hợp, đầu tư trang thiết bị, nguồn vốn để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, góp phần làm thay đổi căn bản đời sống của người dân và bộ mặt nông thôn trong xây dựng nông thôn mới...

Tuy nhiên, phát triển kinh tế tập thể, HTX tại Bắc Giang thời gian qua có một số tồn tại, hạn chế như: Công tác tổ chức, quản lý điều hành các HTX chưa bắt kịp những thay đổi của thị trường; Thiếu vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như năng lực tiếp cận thị trường còn yếu; hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế sẵn có; thiếu chủ động liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm được xác định trong quá trình thực thi chính sách hỗ trợ phát triển HTX tại Bắc Giang, cũng như các bài học kinh nghiệm được xây dựng từ các địa phương. Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển các mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Tăng cường tính tự chủ của HTX trong các hoạt động, xây dựng các cơ chế khuyến khích hợp tác xã tạo dựng mạng lưới các thành viên liên kết trong vùng tham gia vào kế hoạch sản xuất kinh doanh của hợp tác xã, Xây dựng cơ chế phù hợp trong thu hút cán bộ trẻ có trình độ cao về làm việc tại hợp tác xã … Đồng thời đề xuất nhóm giải pháp bao gồm: nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với HTX, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển KTTT; xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực KTTT; Huy động nguồn lực xã hội để phát triển KTTT; bảo vệ tài nguyên, môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai thông qua mô hình KTTT…

Cùng với đó, trong những năm tới tỉnh Bắc Giang sẽ bổ sung các chính sách, chương trình hỗ trợ sao cho phù hợp hơn với đặc điểm của các HTX trên phạm vi địa bàn được hỗ trợ; tập trung củng cố, đổi mới, phát triển mô hình HTX theo chiều sâu, với nhiều mô hình đa dạng, coi trọng hiệu quả hoạt động và mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên, từ đó góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang./.

Phạm Công Toản - Phó Giám đốc Sở Công Thương

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.