Để phát huy vai trò nòng cốt của Hội Nông dân các cấp góp phần phát triển kinh tế tập thể (KTTT) mà trọng tâm là Hợp tác xã (HTX) một cách hiệu quả và bền vững, ngày 09/02/2021 Hội Nông dân tỉnh đã trình và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Xây dựng tổ hợp tác tạo tiền đề để phát triển thành hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”.
Nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của KTTT; nâng cao năng lực tổ chức, quản lý điều hành của đội ngũ cán hội cơ sở, giám đốc HTX, tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) và Chi hội trưởng chi hội nông dân nghề nghiệp…Đề án từng bước thực hiện các nội dung như: đến năm 2025 thành lập 250 THT trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; vận động, hướng dẫn thành lập 50 HTX từ các THT hoạt động tốt (trong đó có 70% số HTX hoạt động hiệu quả có sản phẩm sản xuất theo chuỗi giá trị); đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 100% các thành viên THT, hội đồng quản trị HTX, cán bộ quản lý về phát triển kinh tế tập thể, về sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị…
Qua hơn một năm triển khai, thực hiện; Đề án đã được Hội Nông dân các cấp trong toàn tỉnh triển khai, thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả, 100% Hội Nông dân các huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án theo từng năm và cả giai đoạn 2021 - 2025. Các cấp Hội đã có nhiều giải pháp cụ thể, sáng tạo để thực hiện hiệu quả nội dung của Đề án như: Hội Nông dân tỉnh đã đưa chỉ tiêu thành lập các THT, HTX là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong đánh giá, xếp loại công tác hội và phong trào nông dân hằng năm; phối hợp xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền 03 bài trên Báo Báo Nông thôn ngày nay, 06 phóng sự và 28 tin, bài tuyên truyền trên Đài PT&TH tỉnh; 26 tin bài trên Báo Bắc Giang và bản tin KTTT của tỉnh...đồng thời thường xuyên tuyên truyền trên trang thông tin điện tử, tài liệu sinh hoạt của Hội Nông dân tỉnh. Phối hợp tổ chức 11 lớp tập huấn cho 891 đồng chí là cán bộ, lãnh đạo Hội Nông dân huyện và cơ sở, tổ trưởng, tổ phó các THT đang hoạt động có hiệu quả để tư vấn, hướng dẫn phát triển lên thành HTX. Phối hợp tổ chức thành công Hội nghị "Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu" nhằm quảng bá, tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh giúp cho các sản phẩm làm ra của các THT, HTX được người tiêu dùng biết đến và tin tưởng vào chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp hội tạo điều kiện để các hộ trong các THT, HTX được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT; được mua trên 14.000 tấn phân bón trả chậm do Công ty Tiến nông cung ứng; tiếp cận với nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân, Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng CSXH để đầu tư, phát triển sản xuất (Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh hiện đạt trên 61 tỷ đồng; vốn vay Ngân hàng CSXH đạt trên 1.500 tỷ đồng; Ngân hàng NN&PTNT đạt trên 2.700 tỷ đồng). Phối hợp thành lập đoàn đại biểu tham gia Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La qua đó nhằm tạo điều kiện cho các THT, HTX và nông dân tỉnh Bắc Giang giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tăng cường liên kết, xúc tiến đầu tư, thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản...
Các cấp hội đã đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với KTTT; trọng tâm là Luật Hợp tác xã năm 2012; Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 của Chính phủ; Nghị quyết số 10-NQ/HNDTW ngày 27/7/2020 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020-2025”. Trong đó chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân hiểu được phát triển KTTT là nội dung, giải pháp trọng tâm trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ 1.881 hộ nông dân đưa các nông sản lên quảng bá trên sàn thương mại điện tử tỉnh và các sàn thương mại điện tử khác, trong đó có trên 70% là sản phẩm của các THT, HTX.
Cùng với công tác tuyên truyền, Hội Nông dân các cấp đã tiến hành rà soát, thống kê nhu cầu của các hộ nông dân đặc biệt là các chủ trang trại, các hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, có uy tín… để vận động, hướng dẫn thành lập các THT với số lượng từ 10 - 15 thành viên trở lên theo nguyên tắc bảo đảm tiêu chí “5 tự, 5 cùng” (tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm; cùng chí hướng về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm và cùng hưởng thụ). Tập trung ưu tiên thành lập các THT đầu tư vào phát triển sản xuất hàng hóa các sản phẩm có thế mạnh, có lợi thế, giá trị kinh tế cao; sản phẩm chủ lực; sản phẩm đặc trưng của địa phương; sản phẩm có thể tham gia Chương trình OCOP. Lựa chọn các THT hoạt động tốt, có nhu cầu phát triển lên thành HTX để tư vấn, hướng dẫn thành lập.
Sau hơn một năm các mô hình THT, HTX do Hội Nông dân hướng dẫn thành lập trên địa bàn tỉnh có bước phát triển nhanh chóng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Số lượng THT, HTX tăng theo từng năm; tính đến ngày 15/6/2022, Hội Nông dân các cấp toàn tỉnh đã vận động, hướng dẫn thành lập được 94 THT, vượt 23,6% KH (năm 2021 thành lập được 69 THT; 6 tháng đầu năm 2022 thành lập được 25 THT); 44 HTX, vượt 15,7% kế hoạch đề ra (năm 2021 thành lập được 32 HTX; 6 tháng đầu năm 2022 thành lập được 12 HTX) nâng tổng số THT, HTX do hội thành lập lên 285 THT và 92 HTX tiêu biểu như: Hội Nông dân huyện Tân Yên; Yên Thế; Lục Nam; Lạng Giang... Các THT, HTX từng bước tổ chức hoạt động theo đúng bản chất với quy mô, hình thức đa dạng và phong phú, tổ chức và quản lý điều hành gọn nhẹ, hợp tác linh hoạt; trình độ cán bộ quản lý THT, HTX được nâng cao. Sản phẩm của các tổ chức THT, HTX đa dạng, đã từng bước đáp ứng thị trường, nhiều sản phẩm tham gia vào sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, tạo ra các sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, có bao bì, truy xuất nguồn gốc, mã vạch sản phẩm, đạt OCOP 3 sao trở lên… Thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh các THT, HTX đã góp phần góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống hội viên nông dân, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Đ/c Lã Văn Đoàn - Phó Chủ tịch TT Hội Nông dân tỉnh tặng hoa chúc mừng tại Hội nghị ra mắt mô hình Tổ hợp tác trồng, chế biến rau xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang
Từ những kết quả trên có thể khẳng định việc triển khai, thực hiện Đề án đã được Hội Nông các cấp toàn tỉnh triển khai, thực hiện có hiệu quả; được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi và được hội viên nông dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế do một bộ phận cán bộ, hội viên và nhân dân chưa hiểu đúng và đầy đủ về ý nghĩa, hoạt động và tầm quan trọng của phát triển KTTT. Mặt khác, các THT, HTX sản xuất còn nhỏ lẻ, tính bền vững chưa cao, quy mô thành viên còn khiêm tốn. Hoạt động của các THT, HTX còn chưa có sự liên kết chặt chẽ cả về mặt kinh tế, xã hội và tổ chức. Các hoạt động liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh giữa các THT, HTX với nhau, giữa THT, HTX với các thành phần kinh tế khác hiệu quả chưa cao. Đội ngũ cán bộ quản lý THT, HTX trình độ còn hạn chế, việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chưa nhiều… Do vậy thường gặp lúng túng trong công tác quản lý và nội dung hoạt động; chưa xây dựng hoàn thiện phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Giai đoạn 2022-2025, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cần coi việc thực hiện các nội dung của Đề án là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác hội và phong trào nông dân hàng năm; đồng thời tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể như: (1) Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để làm rõ vai trò, vị trí của KTTT, THT, HTX trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. (2) Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ hội cơ sở, sáng lập viên và các hộ nông dân; hướng dẫn các bước tổ chức thành lập THT, HTX; hướng dẫn xây dựng dự thảo điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh... (3) Mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo cho cán bộ hội cơ sở, cán bộ quản lý THT, HTX và các thành viên để nâng cao trình độ quản lý về kinh tế, khoa học kỹ thuật và hội nhập kinh tế quốc tế. (4) Tiếp tục triển khai đồng bộ và có hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển KTTT, THT, HTX của Trung ương và của tỉnh đã ban hành, để hỗ trợ các THT, HTX; trong đó tập trung vào một số nội dung như: xây dựng nhãn hiệu, bao bì nhãn mác sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm; đào tạo nguồn nhân lực... (5) Hội Nông dân các huyện, thành phố tiếp tục phối hợp với các ngành có chức năng rà soát, thống kê nhu cầu của các hộ nông dân để hướng dẫn thành lập các mô hình THT, HTX. (6) Thường xuyên theo dõi, giám sát, tổ chức sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân và tuyên truyền nhân rộng mô hình tiêu biểu, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. (7) Bên cạnh đó các THT, HTX cũng cần chủ động xây dựng phương án sản xuất, tích cực ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường...Từ các giải pháp đó góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu Đề án đã đề ra đến năm 2025./.
Lã Văn Đoàn – Phó chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh