Xây dựng thương hiệu Hợp tác xã gắn với sản phẩm OCOP đưa nông sản vào các nhà máy, khu công nghiệp, xuất khẩu

Kinh tế Hợp tác xã (HTX) ở Viêt Nam được hình thành, hoạt động từ lâu, tuy nhiên, bước ngoặt đánh dấu sự phát triển của loại hình kinh tế này gắn với sự đổi mới, hội nhập kinh tế thị trường khi Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/03/2002, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) được ban hành. Nghị quyết đã nêu rõ vai trò, vị trí quan trọng nòng cốt của kinh tế HTX trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Luật Hợp tác xã năm 2003 và năm 2012 được Quốc hội thông qua một lần nữa đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của khu vực HTX, Liên hiệp HTX. Luật HTX năm 2012 đã thể hiện tư duy mới về mô hình HTX kiểu mới với hạt nhân là “hợp tác”, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về KTTT và hơn 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012; nhận thức được HTX chính là chủ thể, là nhân tố quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp; trong những năm qua các cấp Hội trong tỉnh đã tích cực tham gia các hoạt động phát triển KTTT, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất và đạt được những kết quả quan trọng góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn.  

Hiện tại trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang có 889 HTX đang hoạt động, trong đó có 687 HTX nông nghiệp (chiếm 77,2 %). Hoạt động của HTX nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng đa dạng hoá các ngành nghề, dịch vụ, sản xuất theo hướng sản phẩm sạch, theo chuỗi và liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Nhiều HTX đã xây dựng phát triển được thương hiệu riêng có uy tín và giá trị thương mại cao; mở rộng thị trường sản xuất, tăng lợi nhuận, hướng đến sự phát triển bền vững và chuyên nghiệp hơn, góp phần xây dựng thương hiệu mạnh cho sản phẩm chủ lực của tỉnh. Để xây dựng được thương hiệu, bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của chính các HTX thì vai trò trợ sức của các cấp, các ngành chức năng đã có những tác động tích cực. Để xây dựng các thương hiệu HTX gắn với sản phẩm OCOP, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang xác định cần tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả 04 nội dung chính sau:

Thứ nhất: Xác định để xây dựng các HTX có thương hiệu mạnh thì phải bắt đầu từ xây dựng các Tổ hợp tác (THT) hoạt động hiệu quả, bền vững

Xác định THT chính “nguồn”, “gốc vững chắc”, là tiền đề để phát triển lên HTX kiểu mới; muốn xây dựng được các HTX có thương hiệu đủ mạnh thì một điều kiện thuận lợi là các HTX đó được phát triển lên từ các THT hoạt động hiệu quả; do vậy Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng và được UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Xây dựng THT tạo tiền đề để phát triển thành HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”. Thực hiện Đề án, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội ưu tiên thành lập các THT đầu tư vào phát triển sản xuất hàng hóa là các sản phẩm có thế mạnh, có lợi thế, giá trị kinh tế cao; sản phẩm chủ lực; sản phẩm đặc trưng của địa phương; sản phẩm có thể tham gia Chương trình OCOP. Khi đã thành lập được các THT, từ những THT hoạt động tốt, lựa chọn để hướng dẫn phát triển lên thành các HTX nông nghiệp.

Sau hơn một năm triển khai, thực hiện Đề án các mô hình THT, HTX do Hội Nông dân hướng dẫn thành lập trên địa bàn tỉnh có bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Số lượng THT, HTX tăng theo từng năm; tính riêng năm 2022, Hội Nông dân các cấp toàn tỉnh đã vận động, hướng dẫn thành lập được 51 THT, 33 HTX mới, lũy kế đến nay Hội đã hướng dẫn thành lập được 289 tổ hợp tác và 92 HTX. Trong đó có nhiều HTX có sản phẩm đa dạng, đáp ứng được nhu cầu thị trường, nhiều sản phẩm tham gia vào sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, tạo ra các sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, có bao bì, truy xuất nguồn gốc, mã vạch sản phẩm; nhiều HTX tuy mới thành lập nhưng đã tích cực tham gia xây dựng các sản phẩm OCOP như: HTX nông nghiệp và dịch vụ Cao Lan, hợp tác xã Cường Nhung (Yên Thế); HTX sản xuất, kinh doanh rượu nếp mầm làng Chồi (Lục Nam); HTX nông nghiệp sạch Thùy Dương (Yên Dũng); HTX dứa sạch Hương Sơn (Lạng Giang)...

Thứ hai: Xây dựng thương hiệu HTX phải gắn với xây dựng mới và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP

Xác định để xây dựng thương hiệu HTX thì các HTX phải có các sản phẩm độc đáo, đặc trưng của tỉnh cũng như đáp ứng được các tiêu chí đặt ra, đặc biệt là các sản phẩm được chứng nhận OCOP…Do vậy, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án "Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022 - 2025". Đề án đặt ra mục tiêu mỗi năm các cấp Hội Nông dân trong tỉnh trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mới được từ 10 sản phẩm OCOP trở lên và hỗ trợ củng cố, nâng cao hiệu quả 20 sản phẩm đã được công nhận. Để đạt mục tiêu trên Hội Nông dân các cấp hội đã phối hợp hỗ trợ, tư vấn cho các HTX tham gia chương trình OCOP tất cả các khâu trong chu trình phát triển sản phẩm OCOP như xây dựng ý tưởng sản phẩm; xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; triển khai thực hiện kế hoạch; hoàn thiện hồ sơ gửi tham dự đánh giá, phân hạng sản phẩm; xúc tiến thương mại...Kết quả, năm 2022 toàn tỉnh có 22 sản phẩm do các cấp Hội Nông dân hướng dẫn được công nhận sản phẩm OCOP (đạt 220% kế hoạch), trong đó một số sản phẩm được đánh giá chất lượng như: nụ hoa sâm Nam núi Dành, dứa Hương Sơn, táo Phì Điền, mỳ gạo Chũ đặc biệt Nam Thể… 20 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP tiếp tực được duy trì củng cố, nâng cao chất lượng. Năm 2023, dự kiến Hội Nông dân tỉnh tiếp tục hướng dẫn xây dựng 20 sản phẩm OCOP, duy trì nâng cao chất lượng 20 sản phẩm đã đạt OCOP.

Thứ ba: Để các HTX phát triển bền vững, có các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP thì phải tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực

Từ thực tiễn nhận thấy, cán bộ Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh chưa được trang bị kỹ năng, kiến thức để tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các HTX thực hiện các bước trong chu trình xây dựng sản phẩm OCOP. Đồng thời với đó, các HTX là chủ thể chính tham gia Chương trình OCOP cũng còn thiếu nhiều kiến thức trong tổ chức phát triển sản xuất để xây dựng sản phẩm OCOP. Do vậy, việc tập huấn, bồi dưỡng là nội dung đặc biệt cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Xác định được điều đó, tính riêng trong năm 2022 Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức và phối hợp với Công ty Cổ phần phát triển Dược Khoa (đây là đơn vị có nhiều kinh nghiệp trong việc tư vấn cho các địa phương trong cả nước xây dựng và nâng cáo chất lượng các sản phẩm OCOP) tổ chức 10 lớp tập huấn cho hơn 1200 cán bộ Hội các cấp, THT, HTX với nội dung về quy trình thành lập THT, HTX; hướng dẫn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm chủ lực của HTX; liên kết trong sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn, tư vấn tại chỗ về phát triển ý tưởng sản phẩm OCOP; cách thức triển khai và vận hành Chương trình OCOP; công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP... Đồng thời chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức được 75 lớp tập huấn cho trên 5.200 thành viên Ban điều hành, Tổ trưởng các THT, thành viên HTX, cán bộ, hội viên.

Thứ tư: Tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận nguồn lực, tiếp cận khoa học công nghệ, tiếp cận thị trường; đưa nông sản vào các nhà máy, khu công nghiệp

Đề các HTX trên địa bàn tỉnh có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doạnh; Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ như: Quan tâm tăng trưởng vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, năm 2022 Quỹ hỗ trợ nông dân tăng 5.443,8 triệu đồng nâng tổng nguồn vốn trong toàn tỉnh đạt trên 62 tỷ đồng cho gần 2.000 hộ vay thực hiện trên 300 dự án. Phối hợp Ngân hàng Chính quản lý 968 tổ tiết kiệm và vay vốn với 32.227 thành viên, dư nợ trên 1.648,079 tỷ đồng; Ngân hàng NN&PTNT quản lý 1.104 tổ cho 21.581 hộ vay, dư nợ trên 2.904,918 tỷ đồng (trong đó có trên 70% hộ vay là đại diện của các THT, HTX, chi tổ hội nghề nghiệp). Bên cạnh đó các cấp hội đã phối hợp với Công ty Tiến nông cung ứng được 9.562 tấn phân bón; phối hợp với Công ty TNHH Năm sao Bông gạo vàng, Công ty Cổ phần Phồn Vinh triển khai, cung ứng trên 2.220kg chế phẩm sinh học HTMAXiGest trong chăn nuôi qua đó góp phần tạo thêm nguồn lực cho các THT, HTX phát triển.

Các cấp hội đã chủ động phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho trên 198.000 lượt cán bộ, hội viên nông và và đại diện các THT, HTX. Hội Nông dân tỉnh ký chương trình phối hợp với Bưu điện tỉnh trong việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025. Hỗ trợ các HTX có các sản phẩm tiêu biểu trên địa bàn tỉnh tham gia “Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam” tại tỉnh Sơn La; tham gia trưng bày  sản phẩm OCOP tại Hội nghị biểu dương nông dân giỏi toàn Quốc lần thứ VI  năm 2022. Phối hợp với Sở Công Thương, Bưu điện tỉnh đưa các sản phẩm của các THT, HTX sàn thương mại điện tử ...

Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang xây dựng và được UBND tỉnh phê duyệt đề án Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho chủ trang trại, hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang  góp phần thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, giai đoạn 2021-2025”. Kết quả, đến nay đã xây dựng được hệ thống quản lý quy trình sản xuất và tự động kết nối cung cầu (MCA). Xây dựng 03 mô hình ứng dụng công nghệ IOT (Internet of things) trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi lợn tại huyện Hiệp Hòa, Lục Nam, Yên Dũng ... 

Qua triển khai, thực hiện tốt 04 nội dung, giải pháp trên; hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có nhiều mô hình HTX do Hội Nông dân hướng dẫn, xây dựng đã xây dựng được thương hiệu mạnh, hoạt động ổn định, hiệu quả, thực hiện tốt việc liên kết sản xuất, hợp tác kết nối tiêu thụ các sản phẩm ra thị trường, tạo được chỗ đứng nhất định, tiêu biểu như: HTX Sản xuất và tiêu thụ mỳ chũ Nam Thể tại xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, hiện nay các sản phẩm của HTX được tiêu thụ rộng rãi ở khắp các tỉnh, thành phố trong nước như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên… HTX đã ký hợp đồng với các hệ thống siêu thị GO, Coop Mart, Hapro; đồng thời liên kết qua các Công ty, đại lý xuất khẩu ra nhiều nước như: Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước EU…giúp cho sản phẩm mỳ gạo của HTX tiêu thụ từ 35-40 tấn sản phẩm/tháng. Sản phẩm Mỳ gạo Chũ Nam Thể được TW Hội Nông Dân Việt Nam chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu; Bộ Công Thương - Cục Nông Nghiệp Địa phương chứng nhận là sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực; Bộ trưởng Bộ Công Thương chứng nhận sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia; đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao... Hợp tác xã Na Dai Nghĩa Phương tại xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, hiện HTX đã ký kết các hợp đồng với nhiều công ty, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm của HTX được TW Hội Nông Dân Việt Nam, HND tỉnh chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu; được Bộ Công Thương - Cục Nông Nghiệp Địa phương chứng nhận là sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực; Bộ trưởng Bộ Công Thương chứng nhận sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia; 02 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao... HTX sản xuất thương mại và dịch vụ nông nghiệp Phì Điền tại xã Phì Điền, huyện Lục Ngạn, hiện các sản phẩm của HTX được sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng được thương hiệu sản phẩm OCOP, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Sản phẩm của HTX được tiêu thụ chủ yếu tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn quốc...

Thực tế cho thấy, hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đóng góp vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh; nhiều HTX đã xây dựng phát triển được thương hiệu riêng có uy tín và giá trị thương mại cao góp phần xây dựng thương hiệu mạnh cho sản phẩm chủ lực của tỉnh. Thời gian tới, để tiếp tục "Xây dựng các thương hiệu HTX gắn với sản phẩm OCOP" Hội Nông dân các cấp toàn tỉnh tỉnh tiếp tục phối hợp với các tổ chức CT - XH, các sở, ngành có liên quan tuyên truyền vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia, thành lập các THT, HTX. Tăng cường công tác tập huấn để nâng cao năng lực quản lý, điều hành hoạt động của các THT, HTX. Chú trọng phát triển các mô hình THT, HTX nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp gắn liền với các sản phẩm ngành nghề nông thôn đặc trưng, các sản phẩm chủ lực của tỉnh và sản phẩm OCOP. Khuyến khích các THT, HTX tăng cường liên kết để tăng quy mô sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa đủ lớn, có sức cạnh tranh đáp ứng nhu cầu thị trường... Cùng với đó, bản thân các THT, HTX cũng cần chủ động phát huy nội lực, liên kết để phát triển sản xuất đồng bộ, đẩy mạnh quảng bá để xây dựng thương hiệu riêng cho từng sản phẩm./.

Lã Văn Đoàn - Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.